Linh mục Benanti, chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu Vatican tư vấn cho Liên Hiệp Quốc và Thung lũng Silicon

Phanxico.vn (22/1/2024) – Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng đầu óc lớn nhất của Vatican về công nghệ định hình thế giới chúng ta ngày nay lại là một linh mục, thành viên của một hội dòng có từ thời Trung Cổ do Thánh Phanxicô Assisi thành lập đầu thế kỷ 13 chuyên làm việc thiện. Linh mục Paolo Benanti mặc bộ áo dòng màu nâu đơn sơ của Dòng Phanxicô nghiên cứu một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay: làm thế nào để quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) để nó làm phong phú – chứ không phải khai thác – cuộc sống của con người.

Linh mục Paolo Benanti là người đứng đầu về công nghệ của Vatican, cố vấn cho Đức Phanxicô cũng như cho một số kỹ sư và giám đốc điều hành lớn nhất của Thung lũng Silicon.

 “Câu hỏi lớn nhất của thời đại chúng ta”

Tốt nghiệp kỹ sư, tiến sĩ về thần học luân lý và đam mê điều mà linh mục gọi là “đạo đức công nghệ”, linh mục Benanti người Ý 50 tuổi dốc sức ưu tiên làm việc cho Đức Phanxicô. Trong thông điệp hòa bình năm 2024, Đức Phanxicô kêu gọi một hiệp ước quốc tế đảm bảo việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách có đạo đức.

Trí tuệ nhân tạo có khả năng đẩy chúng ta đến bờ tuyệt chủng không?

Trong một phỏng vấn với hãng tin Associated Press tại Giáo hoàng Học viện Gregorian, nơi linh mục dạy thần học luân lý và đạo đức sinh học cho các chủng sinh, ông nói: “Sự khác biệt giữa một con người hiện hữu với một cỗ máy hoạt động là gì? Đây có lẽ là câu hỏi lớn nhất của thời đại chúng ta, vì chúng ta đang chứng kiến một thách thức ngày càng trở nên sâu sắc hơn với một cỗ máy ngày càng được nhân bản hóa.” 

Từ Vatican đến Liên Hiệp Quốc thông qua Microsoft

Linh mục Paolo Benanti là thành viên cơ quan cố vấn của Liên Hiệp Quốc về trí tuệ nhân tạo và là người đứng đầu một ủy ban của chính phủ Ý có nhiệm vụ đưa ra các khuyến nghị về cách bảo vệ báo chí khỏi “tin giả” và các dạng thông tin sai lệch khác. Linh mục cũng là cố vấn cho Học viện Giáo hoàng về Sự sống của Vatican.

Đây không phải là vấn đề sử dụng trí tuệ nhân tạo mà là vấn đề quản trị. Và đó là lúc đạo đức xuất hiện – tìm ra mức độ sử dụng phù hợp trong bối cảnh xã hội. 

Linh mục Dòng Phanxicô Paolo Benanti

Linh mục Benanti giải thích ông giúp làm rõ hơn những thuật ngữ chuyên môn nhất, giúp giáo hoàng trong các cuộc gặp của ngài.

Kiến thức của ông rất hữu ích trong cuộc gặp tại Vatican năm 2023 giữa Đức Phanxicô, ông Brad Smith, chủ tịch Microsoft, tập trung vào cách trí tuệ nhân tạo có thể giúp đỡ hoặc gây hại cho nhân loại.

Theo Vatican, giáo hoàng và ông Brad Smith cũng đã thảo luận về trí tuệ nhân tạo “để phục vụ lợi ích chung” trong cuộc gặp vài năm trước đó.

Là giáo hoàng rất quan tâm đến những người sống bên lề xã hội, Đức Phanxicô bày tỏ nỗi lo sợ của ngài, công nghệ AI sẽ hạn chế nhân quyền, chẳng hạn như có tác động tiêu cực đến đơn xin thế chấp mua nhà, nơi tị nạn của người di cư, đánh giá khả năng tái phạm của người phạm tội.

Linh mục giải thích: “Rõ ràng nếu chúng ta chọn dữ liệu không đủ bao quát, chúng ta sẽ có những lựa chọn không bao gồm.”

Liệu có thể thiết lập hợp tác quốc tế về trí tuệ nhân tạo?

Linh mục Benanti cho biết, cách đây vài năm, Microsoft lần đầu tiên liên hệ với linh mục để hỏi ý kiến về công nghệ này.

Năm 2023, ông Brad Smith đã làm một podcast với linh mục ở Rôma, linh mục thảo luận đề tài “trí tuệ nhân tạo trong những kết hợp hấp dẫn nhất trên thế giới” về kinh nghiệm kỹ thuật, đạo đức và công nghệ. 

Tìm cách sử dụng phù hợp cho AI

Còn một năm nữa mới lấy xong bằng kỹ sư tại Đại học Rôma “La Sapienza” khi linh mục bỏ dở việc học và chia tay bạn gái để vào Dòng Phanxicô khi 20 tuổi, linh mục mô tả cách AI có thể là “công cụ thực sự mạnh mẽ” để giảm chi phí thuốc men và cho phép các bác sĩ giúp đỡ được nhiều người hơn.

Nhưng linh mục cũng vạch ra những ý nghĩa đạo đức của một công nghệ có thể có những khả năng tương tự như con người, hoặc thậm chí còn hơn thế nữa.

“Đó không phải là vấn đề dùng AI nhưng là vấn đề về quản trị, và đó là nơi đạo đức xuất hiện: tìm ra mức độ sử dụng phù hợp trong bối cảnh xã hội.”

Liên minh Âu châu đồng ý về quy định lịch sử về trí tuệ nhân tạo

Paolo Benanti lưu ý phần lớn dữ liệu hỗ trợ cho AI được những người lao động được trả lương thấp, thường ở các nước đang phát triển có lịch sử chủ nghĩa thực dân và bóc lột lao động cung cấp: “Tôi không muốn điều này được ghi nhớ như một thời kỳ chúng ta khai thác các nguồn tài nguyên nhận thức của miền Nam. Nếu chúng ta kiểm tra những công cụ tốt nhất mà chúng ta sản xuất trong lĩnh vực AI ở các nước phương Tây, chúng ta sẽ thấy nó được những công nhân được trả lương thấp từ các thuộc địa cũ nói tiếng Anh làm.”

Làm thế nào để quản lý AI, đó là vấn đề mà các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực giải quyết. Liên minh Âu châu đã có bước đột phá mới vào cuối năm ngoái, khi các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận mở đường cho việc kiểm soát pháp lý với công nghệ.

Tại Ý, bà thủ tướng Giorgia Meloni lo ngại AI sẽ làm mất việc làm, bà sẽ đưa công nghệ này làm chủ đề trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức năm nay tại Ý.

AI sẽ tác động đến 40% việc làm trên toàn thế giới, theo Giám đốc điều hành IMF

Là một phần của những nỗ lực này, thứ năm tuần trước, bà Giorgia Meloni đã gặp nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, ông đến Rôma dự cuộc họp có sự tham dự của linh mục Paolo Benanti.

Linh mục Paolo Benanti nói với hãng tin AP việc quản lý trí tuệ nhân tạo không có nghĩa là hạn chế sự phát triển của nó: “Đó là việc đảm bảo nó vẫn phù hợp với hệ thống mong manh mang tên dân chủ này, mà ngày nay dường như đó là hệ thống tốt nhất.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch