Đức cha Shukardin hứa chống lại luật phạm thượng bị lạm dụng để vu cáo Kitô hữu

Vatican News Tiếng Việt (20/11/2023) – Vừa được bầu làm Chủ tịch Hội đồng giám mục Pakistan vào đầu tháng 11, Đức cha Samson Shukardin của Hyderabad cam kết sẽ theo đuổi một chương trình “công lý và hòa bình”, bao gồm việc lên tiếng chống lại luật phạm thượng của đất nước có đa số dân theo Hồi giáo, một luật lệ thường bị lạm dụng để vu oan cho Kitô hữu.

Đức cha Samson Shukardin của giáo phận Hyderabad, Pakistan, nói chuyện với những người dân quê

Các nhà phê bình cáo buộc rằng luật phạm thượng thường bị lạm dụng để đàn áp các tôn giáo thiểu số ở Pakistan, cũng như để giải quyết mâu thuẫn giữa chính người Hồi giáo. Điển hình là vụ một phụ nữ Công giáo nông dân là Asia Bibi đã bị kết án treo cổ vì tội xúc phạm Hồi giáo vào năm 2010. Bà đã ở tù với án tử này gần 10 năm, cho đến khi một chiến dịch quốc tế gây áp lực với kết quả là bà được thả tự do vào năm 2019 và định cư ở Canada.

Đức cha Shukhardin nói rằng “Những người vô tội không nên trở thành mục tiêu và bị kết án”. Đức cha chia sẻ: “Sứ mạng của tôi là lên tiếng và mang lại sự giúp đỡ cũng như cứu trợ cho những nạn nhân vô tội”.

Tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan đã phác thảo một chương trình nghị sự phát triển xã hội cho nhiệm kỳ chủ tịch của ngài. Ngài nói: “Công lý và hòa bình sẽ là một trong những ưu tiên chính với tư cách là Chủ tịch, [bởi vì] người dân của chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức và với tư cách là một Giáo hội, chúng tôi cần giải quyết những vấn đề đó để giúp người dân của chúng tôi được an toàn hơn”.

Vấn đề bắt cóc các cô gái trẻ thuộc cộng đồng thiểu số

Trong số những khó khăn đó, Đức cha nêu lên hiện tượng bắt cóc các cô gái trẻ thuộc cộng đồng thiểu số, sau đó buộc phải chuyển sang đạo Hồi và chấp nhận một cuộc hôn nhân sắp đặt. Ngài nói: “Giáo hội phải cố gắng mang lại công lý cho các gia đình và các bé gái là nạn nhân”.

Phát triển giáo dục cho tín hữu Công giáo

Đức cha Shukardin cũng muốn thúc đẩy giáo dục, vì một phần lớn dân số Công giáo Pakistan thuộc các thành phần xã hội có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và bị gạt ra ngoài lề văn hóa. Họ không được học hành nhiều vì bị phân biệt đối xử. Theo Đức cha, việc không có trường đại học Công giáo là điều rất bất lợi cho các tín hữu. Ngài nói: “Giáo dục là một ưu tiên rõ ràng đối với tất cả bảy Giám mục, [bởi vì nó] sẽ trao quyền cho người dân của chúng tôi, khiến họ trở nên tự chủ và độc lập về tài chính để họ có thể sống một cuộc sống xứng đáng”.

Đối thoại liên tôn 

Cuối cùng, đối thoại liên tôn cũng là một ưu tiên của Giáo hội Pakistan. Đức cha Chủ tịch nói rằng đó là nền tảng cho sứ mạng của Giáo hội. “Chúng tôi chia sẻ mối quan hệ thân tình với cộng đồng đa số và tất cả các nhóm thiểu số khác”. “Đối thoại là điều cần thiết cho sự hòa hợp và hòa bình tôn giáo”. (Crux 20/11/2023)

Hồng Thủy