Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho các Hiệp hội hoạt động trong lãnh vực truyền thông của Ý

WHĐ (24/11/2023) – Sáng ngày 23.11 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã dành cho các thành viên của Hiệp hội Tuần báo Công giáo Ý, Liên hiệp Tạp chí Ý, Hiệp hội “Corallo”, và Hiệp hội “AIART Media Citizens” buổi tiếp kiến riêng. Sau đây là nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha:

DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THÀNH VIÊN THUỘC CÁC HIỆP HỘI HOẠT ĐỘNG TRONG LÃNH VỰC
TRUYỀN THÔNG CỦA
Ý

Hội trường Clementine
Thứ Năm, ngày 23 tháng 11 năm 2023

Anh chị em thân mến, xin chào buổi sáng và chào mừng!

Tôi rất vui được gặp gỡ anh chị em, với tư cách là thành viên của Hiệp hội Tuần báo Công giáo Ý, Liên hiệp Tạp chí Ý, Hiệp hội “Corallo”, và Hiệp hội “AIART Media Citizens”. Tôi muốn bày tỏ sự cảm kích của tôi đối với công việc hàng ngày của anh chị em trong thế giới truyền thông. Anh chị em làm việc với báo chí, truyền hình, phát thanh và các công nghệ mới, với sự tận tụy cho việc giáo dục độc giả, và khán thính giả về phương tiện truyền thông. Các nguồn sâu rộng của anh chị em cho thấy ước muốn của anh chị em là tiếp cận mọi người với sự quan tâm, gần gũi, và mang tính nhân văn. Thật vậy, tôi muốn nói rằng anh chị em thể hiện rất rõ “địa lý nhân văn” và đó là điều làm sinh động lãnh thổ Ý. Suy cho cùng, ý nghĩa của truyền thông là thế này: gắn kết mọi người lại với nhau, dệt nên những sợi dây hiệp thông, và xây những cây cầu mà không cần dựng lên những bức tường. Trong những năm gần đây, nhiều đổi mới khác nhau đã ảnh hưởng đến lãnh vực của anh chị em, và vì thế, điều cần thiết là anh chị em phải luôn canh tân cam kết của mình trong việc thăng tiến phẩm giá con người, vì công lý và sự thật, vì tính hợp pháp và tinh thần đồng trách nhiệm về giáo dục. Do đó, trong bối cảnh các xa lộ truyền thông lớn hiện nay ngày càng nhanh hơn và đông đảo hơn, tôi muốn mời gọi anh chị em đừng đánh mất tầm nhìn về 3 lộ trình, tốt nhất là đừng để mất tầm nhìn nhưng phải luôn đi theo.

Trước hết là về sự đào tạo. Đây không phải là một nhiệm vụ đơn giản nhưng là một vấn đề quan trọng. Thật vậy, tương lai của xã hội đang bị đe dọa. Đào tạo là cách thế để kết nối các thế hệ, thúc đẩy cuộc đối thoại giữa người trẻ và người già, liên minh giữa các thế hệ mà hiện đang là nền tảng hơn bao giờ hết. Nhưng làm sao để giáo dục, đặc biệt là thế hệ trẻ đang đắm chìm trong bối cảnh kỹ thuật số ngày càng phát triển? Có một đoạn Tin Mừng có thể gợi hứng cho một cách tiếp cận tốt, khi Chúa Giêsu dạy chúng ta “khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16). Sự khôn ngoan và đơn sơ là hai thành phần giáo dục cơ bản để điều hướng sự phức tạp ngày nay, đặc biệt là trên trang web, nơi không cần thiết phải trở nên ngây thơ và đồng thời, không nhượng bộ trước cám dỗ gieo rắc giận dữ và hận thù. Sự khôn ngoan, được sống với tâm hồn đơn sơ, là nhân đức giúp nhìn xa, dẫn chúng ta hành động với tầm nhìn xa, và với tư duy tiến bộ. Và chẳng có khóa học nào về sự khôn ngoan, người ta chẳng thể học để có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan được thực hành, được sống, là một thái độ cùng nảy sinh từ trái tim và khối óc và sau đó được phát triển. Sự khôn ngoan được sống với tâm hồn đơn sơ luôn giúp chúng ta có tầm nhìn xa. Các tuần báo Công giáo mang nhãn quan khôn ngoan này đến từng nhà của người dân: chúng không chỉ cung cấp những tin tức thời sự dễ thu hút, mà còn truyền tải một tầm nhìn nhân văn, một tầm nhìn Kitô giáo nhằm đào tạo tâm trí và trái tim, để họ không để mình bị biến dạng bởi những lời la hét hoặc những tin tức mà, với sự tò mò bệnh hoạn chuyển từ màu đen sang màu hồng, bỏ qua sự trong sáng của màu trắng. Vì thế, tôi khuyến khích anh chị em cổ vũ một “truyền thông sinh thái” giữa các địa hạt, các trường học, các gia đình, và giữa anh chị em với nhau. Với phong cách giản dị và dễ hiểu, anh chị em có ơn gọi nhắc nhở mọi người rằng ngoài những tin tức và tin sốt dẻo, luôn có những cảm xúc, những câu chuyện, những con người bằng xương bằng thịt cần được tôn trọng như thể họ là người thân của mình. Và chúng ta thấy từ những tin tức rất đáng buồn trong những ngày này, từ những tin tức khủng khiếp về bạo lực đối với phụ nữ, thì việc giáo dục sự tôn trọng và quan tâm trở nên cấp thiết biết bao: đào tạo những người nam có khả năng xây dựng những mối tương quan lành mạnh. Truyền thông là để hình thành con người. Truyền thông là để hình thành xã hội. Đừng từ bỏ lộ trình giáo dục: nó sẽ đưa anh chị em đi rất xa!

Lộ trình thứ hai là về sự bảo vệ. Trước hết là đào tạo, thứ đến là bảo vệ. “Truyền thông kỹ thuật số muốn phơi bày mọi sự, đời sống cá nhân bị soi mói, lột trần và bình phẩm, thường là nặc danh. Lòng tôn trọng người khác không còn nữa, thế nên ngay cả khi chúng ta quay mặt, phớt lờ hay giữ khoảng cách với người khác, chúng ta vẫn không chút xấu hổ soi mói từng chi tiết đời tư của họ” (Thông điệp Fratelli tutti, 42). Vì vậy, điều căn bản là phải thúc đẩy các khí cụ bảo vệ mọi người, đặc biệt là những người yếu thế nhất, trẻ vị thành niên, người già và người khuyết tật, đồng thời bảo vệ họ khỏi sự xâm nhập của thế giới kỹ thuật số và sự cám dỗ của truyền thông mang tính khiêu khích và bút chiến. Tham gia vào lĩnh vực này, các tổ chức của anh chị em có thể giúp việc bảo vệ quyền công dân trong lĩnh vực truyền thông phát triển; có thể hỗ trợ các biện pháp bảo vệ quyền tự do thông tin và nâng cao nhận thức công dân, để các quyền và nghĩa vụ cũng được nhìn nhận trong lĩnh vực này. Đây là một vấn đề về dân chủ trong truyền thông. Và xin hãy thực hiện điều này một cách can đảm, như Đavít chống lại Gôliat (x. 1 Sam 17): với một chiếc ná nhỏ, Đavít đã hạ gục gã khổng lồ. Đừng chỉ phòng thủ, nhưng hãy luôn giữ “bên trong nhỏ bé”, hãy nghĩ điều lớn lao, bởi vì anh chị em được kêu gọi thực hiện một nhiệm vụ cao cả: bằng lời nói và hình ảnh hãy bảo vệ phẩm giá của con người, nhất là phẩm giá của những người nhỏ bé và nghèo khổ, vốn là những người được Thiên Chúa yêu thích.

Lộ trình thứ ba là về chứng. Tôi muốn nêu cho anh chị em tấm gương của Chân phước Carlo Acutis: “Carlo nhận thức rõ rằng những cơ chế truyền thông, quảng cáo và mạng xã hội ấy có thể được dùng để biến chúng ta thành những con người uể oải, lệ thuộc vào chủ nghĩa tiêu thụ và những món hàng mới mà chúng ta có thể mua sắm, bị ám ảnh về thời gian rảnh rỗi và bị giam hãm trong những điều tiêu cực. Nhưng Carlo biết cách sử dụng những công nghệ thông tin mới để truyền đạt Tin Mừng, để truyền thông những giá trị và vẻ đẹp” (Tông huấn Christus vivit, 105). Chàng trai trẻ Carlo không bị sập bẫy mà trở thành chứng nhân của truyền thông. Chứng tá là sứ ngôn, là sự sáng tạo, giúp giải thoát và thúc đẩy chúng ta xắn tay áo, bước ra khỏi vùng an toàn của mình để chấp nhận rủi ro. Đúng vậy, lòng trung thành với Tin Mừng bao hàm khả năng chấp nhận rủi ro để đạt điều thiện hảo. Và đi ngược lại xu hướng: nói về tình huynh đệ trong một thế giới theo chủ nghĩa cá nhân; về hòa bình trong một thế giới có chiến tranh; về sự quan tâm đến người nghèo trong một thế giới không khoan dung và thờ ơ. Nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện một cách đáng tin nếu trước hết anh chị em làm chứng cho những gì anh chị em nói.

Các bạn thân mến, tôi cảm ơn anh chị em đã ghé thăm và mời anh chị em tiếp tục. Tôi phó thác những nỗ lực của anh chị em cho Thánh Phanxicô de Sales và Chân phước Carlo Acutis, xin các ngài hướng dẫn anh chị em trên lộ trình đào tạo, bảo vệ và làm chứng. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (23. 11. 2023)