Vĩnh biệt “Cây Đại Thụ” bên bờ Lam Giang

“Cây đại thụ” bờ Lam Giang
Ra đi mãi mãi, sông hoài mênh mang.
Ôi đau thương, thổn thức lòng!
Câu thơ ai thả vần trôi giữa dòng.
Gió xào xạc khóc trên mây,
Con sông ứ nghẹn đắng cay đong đầy.
Dòng châu lã chã nhớ Cây,
Tình thâm nghĩa nặng lệ sâu hao gầy!

Mấy ngày hôm nay, những lời phân ưu, những gánh buồn vô tận, bao hình ảnh tiếc xót và cả vạn ca từ nhớ thương của hàng ngàn con tim trên dải đất Nghệ-Tĩnh-Bình đã trao trọn cho vị Chủ chăn khả kính – Đức Cố Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên. Internet nóng lên từng giây, quá tải từng giờ bởi những người giáo hữu nơi xứ sở gió Lào chất nặng gánh tình của họ lên đó. Bên cạnh bầu khí tiếc thương, người ta đã không ngớt ca ngợi ngài bằng những danh hiệu “Ông tiên”, “vị Giám mục trên từng cây số”, “vị Giám mục lập kỷ lục đắc nhân tâm” và còn nhiều hình ảnh ví von khác nữa. Với tôi, không hiểu sao, khi nghĩ về ngài thì trí lòng lại man mác hiện lên bức phong thủy “Cây đại thụ bên bờ Lam Giang”. Có lẽ, ai cũng biết rằng, từ xa xưa, dòng Lam đã trở thành huyết mạch, lặng thầm chở nặng trầm tích lịch sử và cốt hồn xứ Nghệ. Hôm nay đây, Lam Giang lại trầm mặc… trầm mặc trước sự ngã đổ của “Cây đại thụ đức tin” đã trọn đời sừng sững bên bờ, kinh qua những thăng trầm của thời vận và đã chia sớt bao mảnh ghép ân tình với giáo đoàn Vinh. Một thoáng nhìn về cuộc đời của Đức Cố Giám mục Phaolô Maria, tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước sức mạnh nội lực dẻo dai mà Tạo Hóa đã phú ban cho ngài. Bỗng đâu trong tôi lại le lói những ý niệm về phép so sánh giữa cuộc đời ngài và vòng đời của một cây đại thụ.

Đức cha Phaolô Maria trao quà cho các em khuyết tật tại Nhà thờ Chính tòa

Trước tiên, cuộc đời ngài như sự lớn lên của một cây đại thụ – đó là hình ảnh hạt giống Tin mừng trổ sinh và lớn mạnh. Không có một cây nào mới gieo mầm đã trở thành một cây cổ thụ mà nó phải trải qua rất nhiều năm tháng để sinh trưởng. Hạt giống Tin mừng cũng vậy! Trước khi cây có thể đứng vững giữa phong sương, bão táp thì cây đã là một hạt giống bất động, một chồi non yếu ớt. Trải qua dòng thời gian, cây phải đối diện với bao mưa nắng, bão bùng, bao mùa đông giá rét, bao lần thay lá đổi da mới có thể to lớn và vững chắc, trở thành tổ ấm cho các loài chim trời trú đậu. Khi nhìn về gia sản đức tin giàu có và những nhân đức phong phú trong tâm hồn Đức cha, tôi thiết nghĩ, ngài đã phải trải qua biết bao thử thách trong phận người mới hun đúc được một khí chất thanh khiết như vậy. Cuộc đời ngài là một sự chuyển giao giữa thời chiến và thời bình, chế độ cũ và chế độ mới. Hơn nữa, khi ngài giữ nhiều chức vụ quan trọng trong một giáo phận được lớn lên từ máu lửa với vô vàn nguy biến, ắt hẳn nguồn nội lực tiềm tàng trong ngài phải lớn lao lắm mới có thể kiên vững dẫn dắt đoàn con cái kinh qua thời cuộc cách bình an như thế.

Trên đường vào giáo xứ Cồn Nâm – Quảng Bình 2015

Thêm vào đó, cuộc đời Đức cha cho chúng ta thấy rằng phận người cần phải bám chặt vào điểm tựa nào để lãnh nhận trọn vẹn sức sống đời này và sự sống đời sau. Chắc hẳn ai cũng biết rằng một cái cây sẽ có hàng trăm nghìn chiếc rễ…rễ tốt, rễ xấu, rễ to, rễ nhỏ… nằm sâu, nằm cạn. Thế nhưng, có một cái rễ cọc chủ lực sẽ cắm sâu trong lòng đất, làm điểm tựa cho cả thân cây. Cuộc đời Đức cha cũng vậy, chắc chắn ngài không tránh khỏi những yếu đuối trong kiếp nhân sinh, nhưng như cái cây không để cho rễ xấu có cơ may phát triển, ngài cũng đã bám chặt rễ cọc đức tin vào Đức Kitô trong chức vụ tư tế tông truyền để cho đoàn chiên của ngài được sống và sống dồi dào. Dù đất có cằn khô thì rễ vẫn cứ miệt mài hút chất dinh dưỡng, cặm cụi hiến mình để dâng cho đời ôxi của sự sống. Dù mảnh đất Nghệ có cằn cỗi, thời tiết có khắc nghiệt, bần dân có đói khổ, nhưng truyền thống đức tin của giáo đoàn Vinh lại chẳng bao giờ nghèo nàn, qua bàn tay chăm sóc ân cần của người hiền phụ khả ái. Ngài đúng là mẫu gương của sự cần mẫn và kiên định. Thử hỏi “Cái gì có thể đánh đổ ơn gọi đời mục tử của ngài?”, “Cái gì có thể tách ngài ra khỏi tình yêu dành cho Thiên Chúa và đoàn chiên”, “Cái gì có thể ngăn cản ngài tập luyện nhân đức cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời”. Khi đã 95 tuổi, người ta khuyên ngài nên nghỉ ngơi, thay vì dậy sớm lúc 4 giờ sáng để đi dâng lễ thì ngài có thể tùy nghi dâng lễ vào một lúc khác trong ngày, ngài đã sang sảng trả lời rằng: “Lo mà dậy chứ quen thói là làm hư cho thân xác”. Một vị Giám mục đã 95 tuổi đời mà vẫn luôn nghiêm nghị với bản thân mình như thế vì sợ lỡ nhiễm phải thói quen không tốt. Như vậy, ngài đã hiểu thấu sự yếu hèn của thân xác con người và mưu chước của ma quỷ biết dường nào. Với khẩu hiệu Giám mục: “Cùng chịu đóng đinh vào Thập giá với Đức Kitô”, cho đến phút cuối đời, ngài đã luôn cố gắng đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh đến nỗi chúng ta có thể thấy sự hiện diện của ngài như một cây thập giá cắm sâu vào lòng đất Nghệ bên dải Lam Giang. Quả thật, ngài là một cây cổ thụ đậm chất Nghệ vì Thiên Chúa đã không bứng ngài đến một miền đất nào xa xăm nhưng cho ngài được gắn bó trọn đời với mảnh đất ân tình này.

Những người muôn năm cũ…

Giờ đây, cây đại thụ đã thực sự ngã xuống, hòa mình vào “rừng sử thiêng” của Giáo hội. Một ngày nào đó sẽ hóa nên tro bụi, ngấm vào lòng đất Mẹ. Những chồi non li ti ẩn mình dưới tán lá của cây đại thụ sẽ không còn được vui hưởng bóng mát và sự chở che nữa, chắc hẳn chúng cũng sẽ cảm thấy rất trống vắng, hụt hẫng và nhớ nhung cây đại thụ. Thế nhưng, đó là quy luật cuộc đời, cây đại thụ ngã đi thì cây non phải vươn lên, lớn mạnh và thay thế nhiệm vụ của đại thụ. Từ nay, đoàn con cái của hai Giáo phận sẽ không còn thấy một “ngọn hải đăng tinh thần” hay “một biểu tượng của truyền thống” nữa, nhưng hy vọng, hình ảnh Đức cha vẫn sẽ mãi là một lời nhắc nhở và nguồn khích lệ cho đoàn con cái chu toàn hành trình đức tin của mình.

Sông Lam hôm nay vẫn chảy… nó cứ chảy mãi trong tâm tưởng của người giáo hữu nơi đây những “giọt nhớ giọt thương” và kết đọng thành dòng chảy tri ân tri nghĩa khi nhớ về hình bóng của cây đại thụ đức tin – Đức Cố Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên. Hy vọng dòng chảy ấy sẽ biến tang thương thành sự sống và hội ngộ. Bởi nếu học lịch sử là cách con người ‘để tang’ quá khứ thì nhớ về một người, lưu giữ những dấu ấn của họ là cách chúng ta ‘để tang’ trong nội tâm mình và tuyệt vời hơn, nếu chúng ta nhận lấy những ảnh hưởng của họ để sống tốt hơn thì đó chính là lúc chúng ta làm cho họ “tiếp tục sống”. Khi tất cả cùng nhau dìm mình trong sự sống của Đấng Phục Sinh thì ắt có ngày chúng ta sẽ tương phùng trên Thiên Quốc.

Cây Bút Chì, Dòng Mến Thánh Giá Vinh