Đức Hồng y Sako: Có nhiều Kitô hữu xuất cư khỏi Irak

RVA (14/1/2024) – Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Giáo chủ Công giáo Canđê bên Irak, báo động rằng tình trạng bất an và bất công đang làm cho nhiều tín hữu Kitô tại đây tìm đường di cư ra nước ngoài. Ngài phê bình chính phủ không thực tâm bảo vệ các Kitô hữu.

Công giáo Canđê thuộc vào số những cộng đoàn Kitô lớn nhất tại Irak.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Đức KNA, truyền đi ngày 10 tháng Giêng vừa qua, Đức Hồng y Sako phê bình những thiếu sót trong chính sách của chính quyền Irak, đặc biệt là trong việc bảo vệ các công dân Kitô thiểu số tại nước này. Ngài nói:

“Tình trạng bất an và thiếu công lý lại làm gia tăng làn sóng xuất cư. Tại nước này không có chiến lược, không có an ninh, thiếu ổn định về kinh tế và cũng chẳng có chủ quyền. Kết quả là các tổ chức công quyền trở nên suy yếu, các giá trị sa sút, nạn tham ô và thất nghiệp gia tăng cũng như tình trạng đời sống trở xấu hơn”. Theo Đức Hồng y, cần có một sự hòa giải thực sự cho đất nước để xây dựng một nhà nước pháp quyền dân sự vững mạnh.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Sako đặc biệt bày tỏ lo âu vì sự tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công, cưỡng bách theo Hồi giáo và những tuyên bố oán ghét chống Kitô hữu: từ năm 2003 đến nay, họ đã phải chịu những vụ trục xuất, bắt cóc và giết hại do nhà nước Hồi giáo IS, vốn là một tổ chức khủng bố. Trong bối cảnh đó, chính phủ Irak hiện nay vẫn không nghiêm túc bảo vệ các tín hữu Kitô. Như những ví dụ cụ thể, Đức Hồng y Giáo chủ Công giáo Canđê trưng dẫn vụ sát hại nhiều Kitô hữu và những thiếu sót trong cuộc điều tra về hỏa hoạn kinh khủng ở thành Karakosh, hồi tháng Chín năm ngoái, làm cho 133 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Đức Thượng phụ Sako cho biết cho đến nay đã có hơn một triệu Kitô hữu Irak xuất cư, phần lớn là những người có khả năng về kinh tế và các lãnh vực chuyên môn, nhưng chẳng ai quan tâm. Nỗi lo lắng về tương lai gần đây lại làm cho nạn xuất cư tăng lên. Trong bối cảnh đó, ngài kêu gọi các đảng phái, các Giáo hội Kitô thuộc các hệ phái khác nhau hãy đoàn kết để thành lập một nhóm làm việc chung về vấn đề khủng hoảng để đáp ứng những thách đố và bảo vệ các Kitô hữu. Các Kitô hữu cần những đồng minh thực sự từ trong ra ngoài để cải tiến tình hình và thăng tiến quyền lợi của mình một cách công khai trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn quốc tế”.

Đức Hồng y Sako cho biết ngài vốn hy vọng Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Irak có thể giữ một vai trò tích cực trong việc liên kết các công đoàn Kitô, nhưng hy vọng này không được hiện thực.

Vị Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Baghdad từ bốn năm nay là Đức Tổng giám mục Mitjia Leskovar, người Slovenia. Theo Đức Hồng y Sako, Đức Sứ thần không tìm cách hiểu não trạng và văn hóa địa phương, và vì thế, bị giằng co giữa các nghĩa vụ ngoại giao và Giáo hội.

(KNA 10-1-2024)